Vị thuốc Hoàng Câm được biết đến như một dược liệu với nhiều tác dụng trong việc chữa một số căn bệnh cũng như một số triệu chứng hay các vấn đề về sức khỏe, cây thuốc hoàng cầm được các chuyên gia, dược sĩ đánh giá rất cao. Vậy thực sự hoàng cầm là loại cây như thế nào? Hoàng cầm có những tác dụng gì? Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để giải đáp những thắc mắc này nhé!
Giới thiệu chung về hoàng cầm
Tên gọi khác: Ngoài tên gọi là hoàng cầm, loại cây thuốc này còn được gọi với nhiều tên khác nhau như hủ trường, không trường, túc cầm, hoàng văn, kinh cầm, đỗ phụ.
Tên khoa học: Scutellaria baicalensis Georg
Hoàng cầm là cây cỏ sống dai, có thân dài
Đặc điểm thực vật và đặc điểm dược liệu
Là loại cây thuộc họ cây cỏ sống dai, cao 20 - 50 cm, có rễ phình to thành hình quả chùy, mặt ngoài có màu vàng sẫm và bẻ ra thì bên trong có màu vàng nhạt hơn.
Hoàng cầm có thân mọc đứng, hình vuông và phân nhánh, vỏ thân thường nhẵn hoặc đôi khi có lông ngắn.
Lá hoàng cầm mọc đối nhau, cuống lá rất ngắn hoặc cũng có cây không cuống lá. Phiến lá có hình mác hẹp có gợn sóng, đầu phiến lá hơi tù mép lá phẳng có độ dài vào khoảng 1,5 - 4 cm, rộng 3 - 8 mm hoặc 1 cm, mặt trên lá có màu xanh sẫm và mặt dưới có màu xanh nhạt.
Hoa của loại cây này mọc thành 2 bông ở đầu cành, có màu lam tím. Cánh hoa gồm 2 môi và 4 nhị ( có 2 nhị lới dài hơn tràng) màu vàng, bầu hoa có 4 ngăn.
Phân bố
Hoàng cầm không có ở Việt Nam, thường được nhập từ Trung Quốc. Loại cây này sống tốt ở những vùng cao nguyên đất vàng, trên sườn núi hướng về phía mặt trời mọc và khô ráo. Hoàng Cầm được tìm thấy nhiều ở một số vùng như Thiểm Tây, Diên An và các tỉnh vùng Bắc và Tây Nam Trung Quốc.
Bộ phận dùng
Bộ phần thường được dùng của hoàng cầm để chế biến làm thuốc là rễ. Rễ hoàng cầm có 2 loại, một loại có thể sử dụng một loại thì không, vì vậy người dùng nên tìm hiểu kỹ. Loại bên trong cứng, khi bẻ ra thì đầy và chắc mịn, có bên ngoài màu vàng và bên trong màu xanh, thịt đầy rỗng hoặc ít ruột là loại tốt. Ngược lại, loại thô hoặc nhỏ, bên trong lõi có khe màu đen là loại xấu. Loại này say khi gặp ấm sẽ biến thành màu đen, không thể dùng làm thuốc.
Bộ phận thường được dùng làm thuốc của hoàng cầm là rễ
Phương pháp chế biến
Hoàng cầm thường được thu hoạch vào mùa xuân, đây là thời điểm lý tưởng, khi rễ cây tốt, có nhiều chất. Sau khi cắt bỏ rễ nhỏ, rửa sạch đất cát, hoàng cầm được đem phơi qua cho ráo rồi được cạo vỏ, rồi lại đem phơi hoặc sấy cho khô hẳn là có thể sử dụng.
Cách bảo quản
Để có thể bảo quản với mục đích sử dụng lâu dài, hoàng cầm nên được phơi, sấy thật khô và được cất trữ ở nơi khô ráo, thoáng mát có độ ẩm thấp.
Thành phần hóa học
Hoàng cầm có rất nhiều thành phần hóa học tốt, có thể kể đến như:
- Có tinh dầu cùng với các dẫn xuất flavon: Scutelarin (hay woogonin) C16H12O11 và baicalin C21H18O11.
- Baicalei, Baicalin, Wogonin, Wogonoside, Neobaicalein, b-Sitosterol, Benzoic acid
Tính vị:
- Vị đắng, tính bình (Bản Kinh).
- Tính rất hàn, không độc (Biệt Lục).
- Vị đắng, ngọt (Dược Tính Luận)
- Vị đắng, tính hàn (Trung Dược Đại Từ Điển).
- Vị đắng, tính lạnh (Trung Dược Học).
Công dụng của hoàng cầm đối với sức khỏe
Hoàng cầm được biết đến với rất nhiều công dụng khác nhau như điều trị cho người mắc trứng cao huyết áp, điều hòa huyết áp ở mức ổn định, giúp trấn an hoạt động tim mạch. Hoàng cầm ngâm rượu còn có tác dụng làm dãn mạch, lưu thông tuần hoàn máu, tốt cho hoạt động của hệ thần kinh. Ngoài ra, hoàng cầm còn có công dụng trong việc điều trị các triệu chứng dị ứng, giúp kháng khuẩn, điều hòa nhiệt độ, lợi tiểu cũng như hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường.
- Tác dụng miễn dịch: Thành phần Baicalein có trong hoàng cầm giúp chống dị ứng, ức chế khả năng giải phóng enzym ra khỏi các tế bào. Thí nghiệm được thự hiện trên da heo khi được gây dị ứng và chất Histamin, có tác dụng giãn phế quản đối với tiểu phế quản của heo bị gây dị ứng suyễn. Ngoài ra, khi tiến hành thí nghiệm trên chuột, chất Baicalein và Baicalin còn cho thấy tác dụng ức chế phù co thắt và giảm tính thẩm thấu mao mạch, ngăn ngừa xuất huyết phổi xuống mức thấp nhất.
- Tác dụng kháng khuẩn: Kết quả một số thí nghiệm cho thấy hoàng cầm có tác dụng ức chế đối với nhiều khuẩn bệnh như Tụ cầu vàng, trực khuẩn bạch hầu, phế cầu khuẩn, não mô viêm Neisseria, trực khuẩn lao. Trong thí nghiệm cũng thấy có tác dụng kháng lại với nấm da và có khả năng diệt Leptospira.
- Tác dụng điều hòa nhiệt độ: có báo cáo cho biết rễ Hoàng cầm có tác dụng hạ nhiệt.
- Tác dụng đối với huyết áp: thí nghiệm được thực hiện trên chó, thỏ và mèo, dùng nước sắc, cồn chiết, dịch truyền hoàng cầm cho chó, thỏ và mèo bị gây mê đều thấy được tác dụng hạ áp. Đối với chó có huyết áp bình thường hoặc huyết áp cao thì khi cho uống hoặc chích đều làm hạ huyết áp của chó. Tuy nhiên, với mỗi loại hoàng cầm sống ở những khu vực khác nhau thì sẽ có tác dụng giảm áp khác nhau, hoàng cầm sinh trưởng ở vùng Vân Nam có tác dụng mạnh nhất, yếu nhất là hoàng cầm sống ở Đông Bắc Trung Quốc.
- Tác dụng lợi tiểu: Nước sắc Hoàng cầm có tác dụng lợi tiểu đối với chó và người bình thường.
- Tác dụng chuyển hóa lipid: Nước sắc hỗn hợp Hoàng cầm, Hoàng liên và Đại hoàng không gây ảnh hưởng đối với Cholesterol/Phospholipid ở thỏ bình thường nhưng làm hạ lipid ở người thực hiện chế độ cao ăn kiêng Cholesterol trong 7 tuần hoặc ở người đã được trị bằng Thyroid.
- Tác dụng đối với mật: nước sắc hoặc cồn chiết xuất Hoàng cầm làm tăng lượng mật ở chó và thỏ. Ảnh hưởng này do Baicalei mạnh hơn là Baicalin. Thỏ bị thắt ống mật cho thấy Bilirubin tăng sau 1-6 giờ và giảm trong khoảng 24-48 giờ so với nhóm đối chứng.
- Tác dụng đối với vết vị trường: Nước sắc và cồn chiết xuất Hoàng cầm có tác dụng ức chế nhu động ruột. Cồn chiết xuất ức chế tác dụng của chất Pilocarpin, tác dụng này không ảnh hưởng bởi thần kinh phế vị.
- Tác dụng đối với hệ thần kinh trung ương: Cho chuột uống nước sắc hoặc cồn chiết hoàng cầm thấy việc di chuyển và phản xạ của chuột bị giảm do chất Baiclin gây ra.
Ứng dụng của hoàng cầm trong điều trị bệnh
Hoàng cầm ngâm rượu có thể giúp thông kinh mạch, điều hòa khí huyết.
Dùng tam hoàng cầm, hoàng cầm và hoàng liên, cả 3 vị đem tán nhỏ, dùng với mật ong viên thành viên to bằng hạt đậu đen. Dùng 3 lần một ngày, mỗi ngày 5 - 7 viên, uống liền một tháng để chữa bệnh lao, viêm niêm mạc tử cung.
Hoàng cầm và mạch môn đông, mỗi thứ 10g, sắc lên uống trong ngày thay nước. Có thể dùng sau khi sinh nở bị mất máu nhiều, khát nước.
Trị nôn ra máu, chảy máu cam, lúc có lúc không, do tích nhiệt mà gây ra:
Hoàng cầm 40g, bỏ ruột đen, tán bột. Mỗi lần dùng 12g, sắc với một chén nướccòn 6 phân uống nóng (Hoàng Cầm Tán - Thánh Huệ phương).
Trị trẻ nhỏ giật mình kinh sợ, khóc đêm:
Hoàng cầm, Nhân sâm, đều 0,4g, tán bột. Mỗilần uống một ít với nước sắc trúc diệp (Hoàng Cầm Tán – Thánh Tế Tổng Lục).
Trị thương hàn, tiêu tích nhiệt, tả hỏa ở ngũ tạng:
Đại hoàng, Hoàng liên, Hoàng bá, các vị bằng nhau tán bột, chưng thành bánh, làm viên to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗilần uống20-30 viên với nước (Tam Bổ Hoàn – Đan Khê Tâm Pháp).
Trị trong Phế có hỏa:
Phiến cầm sao, tán bột, trộn nước làm thành viên, tobằng hạt ngô đồng. Mỗi lần uống 20-30 viên với nước (Thanh Kim Hoàn - Đan Khê Tâm Pháp).
Trị Đầu đau ở đầu lông mày, phong nhiệt có đàm:
Hoàng cầm ngâm rượu, Bạch chỉ, 2 vị bằng nhau, tán bột. Mỗi lần uống 8g với nước trà (Đan Khê Tâm Pháp).
Trị trẻ nhỏ giật mình kinh hoảng, khóc đêm:
Hoàng cầm, Nhân sâm, 2 vị bằng nhau, tán bột. Mỗilần uống 4g với nước (Phổ Tế phương).
Trị gan nóng sinh mờ mắt, không kể người lớn hay trẻ con:
Hoàng cầm 40g, Đạm đậu xị 120g. Tán bột, mỗi lần dùng 12g, bọc trong gan heo, chưng chín mà ăn, uống với nước nóng, ngày 2 lần. Kiêng rượu và Miến (Vệ Sinh Gia Bảo).
An thai, thanh nhiệt:
Điều cầm, Bạch truật, 2 vị bằng nhau, sao, tán bột, trộn với nước cơm làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 50 viên với nước hoặc thêm Thần khúc. Hễ khi có thai muốn điều lý thì dùng bài Tứ Vật bỏ Địa hoàng, thêm Bạch truật, Hoàng cầm, tán bột, uống luôn rất tốt (Đan Khê Tâm Pháp).
Trị đơn độc, hỏa độc:
Hoàng cầm tán bột, trộn với nước đắp vào (Mai Sư Tập Nghiệm).
Trị thấp nhiệt làm tiêu chảy, bụng đau:
Hoàng cầm, Thược dược, Hoàng liên, Chích cam thảo, Xa tiền tử, Phòng phong, Thăng ma (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Trị bạch đới đau bụng:
Hoàng cầm, Thược dược, Hoàng liên, Chích cam thảo, Hoạt thạch, Thăng ma (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Trị ho nhiệt do đàm ủng tắc:
Hoàng cầm 18g. Sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị ho do phế nhiệt:
Hoàng cầm, Liên kiều, Chi tử mỗi thứ 12g, Đại hoàng, Hạnh nhân, Chỉ xác mỗi thứ 8g, Cát cánh, Bạc hà, Cam thảo, mỗi thứ 4g. Sắc uống (Hoàng Cầm Tả Phế Thang - Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Ngoài ra, hoàng cầm còn là 1 vị dược liệu rất quan trọng trong bài thuốc an cung ngưu hoàng hoàn, được dùng cho các các đối tượng bị tai biến đột quỵ ở thể nhồi máu não, người cao buyết áp, người bị rối loạn tiền đình, hay stress, đau đầu,..... Ngoài dược liệu là hoàng cầm thì trong thành phần viên an cung ngưu còn có ngưu hoàng, hoàn liên, xạ hương, hùng hoàng, chu sa, trân châu,....
Lưu ý khi sử dụng, tránh tác dụng phụ của hoàng cầm
Hoàng cầm tuy là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe nhưng khi dùng cần lưu ý với một số đối tượng sau:
- Người tỳ vị hư hàn không có thấp nhiệt, thực hỏa, phụ nữ thai hàn không nên dùng (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
- Người phế có hư nhiệt, tiêu chảy do hàn hoặc hạ tiêu có hàn: không dùng (Trung Dược Học).
- Ghét Hành sống, sợ Đơn sa, Mẫu đơn, Lê lô, được Sơn thù du, Long cốt làm sứ rất tốt (Dược Đối).
Nhìn chung, hoàng cầm không có tác dụng phụ gì đáng kể. Tuy nhiên, thông tin trên bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, người bệnh không nên lạm dụng các phương pháp chữa bệnh nêu trên, để biết được cách sử dụng đúng, có tác dụng và hiệu quả cao nhất, các bạn nên tìm đến các chuyên gia hoặc các bác sĩ có chuyên môn.
Các bài viết, nội dung thông tin trên thuoctimmach chỉ có tính chất tham khảo, bạn đọc không nên dựa theo để tự ý chẩn đoán hoặc điều trị bệnh. Nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám chính xác.