Tai biến mạch máu não thường xảy ra rất đột ngột, khó điểm soát. Do đó, để có thể cứu sống được người bệnh thì việc sơ cấp cứu khi bị tai biến mạch máu não đúng cách là một phần rất quan trọng trong bước đầu tiên xử lý khi gặp người bị tai biến.
Những triệu chứng, dấu hiệu của bệnh tai biến mạch máu não được biểu hiện rất rõ ràng hoặc thoáng qua, phục thuộc vào thể trạng của từng người nên thường hay bị bỏ qua. Khi chưa biết rõ nguyên nhân gây ra tai biến là do nhồi máu não hay xuất huyết não mà người nhà vẫn cố cấp cứu bệnh nhân bằng thuốc thì vô tình đã gây ra tình trạng xấu hơn cho người bệnh, ảnh hưởng đến khả năng hồi phục sau này của bệnh nhân. Bài viết này sẽ hướng dẫn cách sơ cứu và xử lý an toàn và đúng phương pháp khi gặp người bị tai biến mạch máu não.
5 bước xử lý, sơ cấp cứu khi bị tai biến mạch máu não
Trong khi chờ nhân viên y tế đến thì cần thực hiện công tác sơ cứu người bị tai biến mạch máu não. Khi phát hiện ra người bệnh lên cơn tai biến, cần giữ và tạo không gian thông thoáng để giúp bệnh nhân thở tốt và và thực hiện các động tác xử lý cấp cứu đơn giản, rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Hướng dẫn cách xử lý khi gặp người bị tai biến mạch máu não
Bước 1: Lập tức gọi xe cấp cứu 115 chuyển bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất để các bác sĩ kịp thời cấp cứu cho người bị tai biến, giúp hạn chế những di chứng nặng nề của bệnh, đồng thời rút ngắn được thời gian phục hồi cho bệnh nhân.
Bước 2: Trong thời gian đợi xe cấp cứu đến thì việc cần phải làm là nhanh chóng đỡ bệnh nhân, cho bệnh nhân nằm yên không được bế thốc bệnh nhân lên để đưa đi cấp cứu, mà phải từ từ nhẹ nhàng đặt bệnh nằm ngửa xuống, kê phần đầu của người bệnh hơi nâng cao và nghiêng sang một bên, giữ không khí thông thoáng, tránh ồn ào để bệnh nhân dễ thở hơn.
Bước 3: Kiểm tra và theo dõi tình trạng sức khỏe bệnh nhân thật chặt chẽ, hỏi bệnh nhân để biết được mức độ tỉnh táo của người bệnh. Nếu bệnh nhân xuất hiện tình trạng nôn ói thì cần dùng khăn lau sạch các chất nôn, đàm nhớt trong miệng để bệnh nhân dễ thở, đảm bảo cho người bệnh luôn nhận được oxy nuôi dưỡng cơ thể, nuôi dưỡng não tốt nhất, tránh bị hiện tượng chết não. Nếu bệnh nhân có biểu hiện lú lẫn, lơ mơ, bị đại tiện - tiểu tiện dầm đề thì đó có nghĩa là người bệnh đã bị mất ý thức.
Bước 4: Trong thời điểm đó nếu có điều kiện thì nên kiểm tra nhịp tim và huyết áp của người bệnh. Tuyệt đối không cho uống thuốc hay nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác. Vì khi đó chưa biết bệnh do thiếu máu não hay xuất huyết não gây ra mà vẫn cố hạ huyết áp quá sớm vô tình chúng ta đã làm hại bệnh nhân, do lưu lượng máu sẽ giảm đột ngột và triệu chứng càng xấu đi.
Bước 5: Khi xe cấp cứu đến, nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện chuyên khoa gần nhất để cấp cứu và điều trị bệnh kịp thời hiệu quả. Trong quá trình chuyển người bệnh đến viện nên tránh va đập, rung lắc mạnh.
Những điều không được làm khi cấp cứu bệnh nhân tai biến mạch máu não
Những điều tuyệt đối không được làm khi thực hiện cấp cứu người bị tai biến
- Tuyệt đối không được dùng kim chích máu ở 10 đầu ngón tay của nạn nhân, không được cạo gió hay vuốt dái tai của người bệnh.
- Không cho bệnh nhân ăn uống bất cứ thứ gì.
- Không tự ý dùng các loại thuốc hay các phương pháp để hạ huyết áp của người bệnh.
- Khi phát hiện người bệnh phải lập tức gọi cấp cứu rồi mới thực hiện các xử lý theo các bước như trên, không được để bệnh nhân nằm chờ lâu ở nhà. Vì thời gian cấp cứu càng lâu thì tỷ lệ tử vong của người bệnh càng cao.
Video hướng dẫn cách sơ cứu người bị tai biến mạch máu não - đột quỵ
Thời gian cấp cứu vàng của người bị tai biến mạch máu não là trong vòng 6 giờ đầu. Vì đây là khoảng thời gian người bệnh vẫn có khả năng phục hồi trở lại cuộc sống bình thường được sau khi được chữa trị. Chính vì vậy, cần nhanh chóng xử lý khi bị tai biến mạch máu não, thực hiện đúng theo các nguyên tắc và các bước đã nêu ở trên. Đặc biệt nên thận trọng trong việc dùng thuốc để cấp cứu người bệnh. (http://www.thuoctimmach.vn/than-trong-khi-dung-thuoc-an-cung-cho-nguoi-bi-tai-bien-mach-mau-nao-n153)